Ôn tập, trắc nghiệm sinh học lớp 10 2022 | Mytranshop.com

Câu 1: Thế nào là năng lượng ?Năng lượng được tích trữ trong tế bào dưới dạng nào? Năng lượng của tế bào được dự trữ trong các hợp chất nào?

 

Trả lời:

1.  Năng lượng được định nghĩa là khả năng sinh năng lượng. Tùy theo trạng thái có sẵn sàng sinh công hay không, người ta chia năng lượng thành hai loại: động năng và thế năng. Động năng là dạng năng lượng sẵn sàng sinh ra công. Thế năng là loại năng lượng dự trữ có tiềm năng sinh công.

2.  Năng lượng trong tế bào tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau như hóa năng, điện năng, nhiệt năng Nhiệt năng ngoài việc giữ nhiệt độ ổn định cho tế bào và cơ thể thì có thể coi như năng lượng vô ích vì không có khả năng sinh công. Sự chênh lệch về nồng độ các ion trái dấu giữa hai phía của màng có thể tạo ra sự chênh lệch điện thế. Năng lượng chủ yếu của tế bào là dạng hóa năng (tiềm ẩn trong các liên kết hóa học), trong đó ATP – một hợp chất cao năng (đồng tiền năng lượng của tế bào).

 

Câu 2: Trình bày cấu trúc hóa học và chức năng của phân tử ATP.

 

Trả lời:

1. Cấu trúc hóa họccủa phân tử ATP:

ATP (ađênôzin triphôtphat) là một phân tử có cấu tạo gồm các thành phần: ađênin, đường ribôzơ và 3 nhóm phôtphat. Đây là một hợp chất cao năng vì liên kết giữa hai nhóm phôtphat cuối cùng trong ATP rất dễ bị phá vỡ để giải phóng năng lượng. Chính các nhóm phôtphat đều mang điện tích âm nên khi nằm gần nhau luôn có xu hướng đẩy nhau ra vì thế liên kết này rất dễ bị phá vỡ

ATP truyền năng lượng cho các hợp chất khác thông qua chuyển nhóm phôtphat cuối cùng để trở thành ADP (ađênôzin điphôtphat) và ngay lập tức ADP lại được gắn thêm nhóm phôtphat để trở thành ATP. Ở trạng thái nghỉ ngơi, trung bình mỗi ngày mỗi người sinh sản và phân hủy tới 40kg ATP và mỗi tế bào trong mỗi giây tổng hợp và phân hủy tới 10 triệu phân tử ATP.

2. Chức năng của phân tử ATP:

+ Tổng hợp nên các chất hóa học mới cần thiết cho tế bào: Những tế bào đang sinh trưởng mạnh hoặc những tế bào tiết ra nhiều prôtêin có thể tiêu tốn tới 75% năng lượng ATP mà tế bào tiết ra.

+ Vận chuyển các chất qua màng: vận chuyển chủ động cần tiêu tốn nhiều năng lượng. Ví dụ, tế bào thận của người cần sử dụng tới 80% ATP sinh sản ra để vận chuyển các chất qua màng trong quá trình lọc máu tạo nước tiểu.

+ Sinh công cơ học: Sự co của các tế bào cơ tim và cơ xương tiêu tốn một lượng ATP khổng lồ. Khi ta nâng một vật nặng thì gần như toàn bộ ATP của tế bào phải được huy động tức thì.

 

Câu 3:Chuyển hóa vật chất là gì?

 

Trả lời:

+ Chuyển hóa vật chất là tập hợp các phản ứng hóa sinh xảy ra bên trong tế bào. Chuyển hóa vật chất là một đặc tính nổi trội ở cấp tế bào được hình thành do sự tương tác của các loại phân tử có trong tế bào. Chính nhờ chuyển hóa vật chất mà tế bào mới có khả năng thực hiện các đặc tính đặc trưng khác của sự sống như sinh trưởng, phát triển, cảm ứng và sinh sản. Chuyển hoá vật chất luôn kèm theo sự chuyển hóa năng lượng.

+ Chuyển hoá vật chất bao gồm hai mặt:

– Đồng hoá: là quá trình tổng hợp các chất hữu cơ phức tạp từ các chất đơn giản.

– Dị hoá: là quá trình phân giải các chất hữu cơ phức tạp thành các chất đơn giản hơn.

+ Quá trình dị hoá cung cấp năng lượng để tổng hợp ATP từ ADP. ATP ngay lập tức được phân hủy thành ADP và giải phóng năng lượng cho quá trình đồng hoá cũng như các hoạt động sống khác của tế bào.

 

Câu 4: Tại sao ăn quá nhiều thức ăn giàu năng lượng không tốt cho cơ thể? Nhưng ăn quá nhiều chất đạm cũng không tốt cho cơ thể?

 

Trả lời:

– Đường và chất béo là những thực phẩm giàu năng lượng rất bổ dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều thức ăn giàu năng lượng mà năng lượng không được sử dụng sẽ dẫn đến bệnh béo phì, bệnh tiểu đường cũng như các bệnh khác có liên quan.

– Nếu chất đường và chất béo cung cấp nguồn năng lượng chính thì chất đạm (prôtêin) lại là thành phần cấu trúc quan trọng của tế bào và cơ thể. Trong khẩu phần ăn hàng ngày không thể nào thiếu nguồn thực phẩm prôtêin. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều thực phẩm giàu prôtêin (thịt, trứng, cá…) cũng sẽ không tốt cho cơ thể, prôtêin vào cơ thể được phân giải thành các axit amin, khi các axit amin bị phân giải trong gan sẽ tạo ra urê là chất độc với cơ thể.

 

Câu 5: Tại sao nói “ATP là đồng tiền năng lượng” của tế bào? Trong tế bào, năng lượng ATP được sử dụng vào những việc chính nào?

 

Trả lời:

– ATP là đồng tiền năng lượng của tế bào với ý nghĩa ATP được sử dụng hàng ngày như tiền tệ, cụ thể nó cung cấp năng lượng cho tất cả mọi hoạt động sống của tế bào (trao đổi chất, vận chuyển các chất, sinh công cơ học, các quá trình hấp thụ…).

– ATP có chứa các liên kết cao năng giàu năng lượng, ATP có năng lượng hoạt hóa thấp, dễ dàng bị phá vỡ và giải phóng năng lượng. Các phản ứng thu nhiệt trong tế bào cần 1 năng lượng hoạt hóa thấp khoảng 7,3kcal cho nên ATP có khả năng cung cấp đầy đủ năng lượng cho tất cả các hoạt động sống của tế bào.

Trong tế bào, năng lượng ATP được sử dụng vào những việc chính như:

Mytranshop.com khuyên bạn nên xem:  Cấu trúc phân tử hợp chất hữu cơ, trắc nghiệm hóa học lớp 11 2022 | Mytranshop.com

– Tổng hợp nên các chất hóa học cần thiết cho tế bào (tổng hợp prôtêin…).

– Vận chuyển các chất qua màng (vận chuyển chủ động tiêu tốn nhiều năng lượng).

– Sinh công cơ học (co cơ…).

 

Câu 6: Trình bày khái niệm năng lượng, trong tế bào có những dạng năng lượng nào?

 

Trả lời:

– Năng lượng là đại lượng đặc trưng cho khả năng sinh công. Có nhiều dạng năng lượng khác nhau như: điện năng, quang năng, cơ năng, hoá năng, nhiệt năng… Dựa vào nguồn cung cấp năng lượng thiên nhiên ta có thể phân biệt năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng nước…

– Các dạng năng lượng chính trong tế bào:

+ Thế năng : Thế năng là trạng thái tiềm ẩn của năng lượng, dạng năng lượng dự trữ, có tiềm năng sinh công (năng lượng các liên kết hoá học trong các hợp chất hữu cơ, chênh lệch các điện tích ngược dấu ở hai bên màng…).

+ Động năng: là dạng năng lượng sẵn sàng sinh công.

+ Nhiệt năng: giữ ổn định nhiệt độ tế bào, cơ thể.

+ Hoá năng: năng lượng tiềm ẩn trong các liên kết hoá học, đặc biệt là ATP.

– Khi gặp các điều kiện nhất định, năng lượng tiềm ẩn chuyển sang trạng thái động năng có liên quan đến các hình thức chuyển động của vật chất (các ion, phân tử…) và tạo ra công tương ứng. Các dạng năng lượng có thể chuyển hoá tương hỗ và cuối cùng thành dạng nhiệt năng.

 

Câu 7: Phân biệt 2 quá trình đồng hóa và dị hóa? Nêu mối quan hệ giữa 2 quá trình này?

 

Trả lời: Phân biệt 2 quá trình đồng hóa và dị hóa

Đồng hóa

Dị hóa

– Là quá trình tổng hợp các chất hữu cơ phức tạp từ các chất đơn giản.

– Là quá trình thu năng lượng.

– Quá trình đồng hóa cung cấp vật chất cho quá trình dị hóa sử dụng.

– Là quá trình phân giải các chất hữu cơ phức tạp thành các chất đơn giản.

– Là quá trình giải phóng năng lượng.

– Quá trình dị hóa cung cấp năng lượng cho quá trình đồng hóa và mọi hoạt động sống khác.

– Đồng hóa và dị hóa là 2 quá trình vừa mâu thẫn vừa thống nhất (thể hiện trong quá trình chuyển hóa vật chất), sản phẩm của quá trình này là nguyên liệu cho quá trình kia và ngược lại.

 

Câu 8: Nêu cấu trúc và cơ chế tác động của enzim.Tại sao khi tăng nhiệt độ lên quá cao so với nhiệt độ tối ưu có một enzim thì hoạt tính của enzim đó lại bị giảm thậm chí bị mất hoàntoàn?

 

Trả lời:

1. Cấu trúc của enzim: Thành phần của enzim là prôtêin hoặc prôtêin kết hợp với các chất khác không phải là prôtêin. Trong phân tử enzim có vùng cấu trúc không gian đặc biệt chuyên liên kết với cơ chất (cơ chất là chất chịu sự tác động của enzim) được gọi là trung tâm hoạt động. Thực chất đây là một chỗ lõm hoặc khe nhỏ trên bề mặt enzim. Cấu hình không gian này tương thích với cấu hình không gian của cơ chất. Tại đây, các cơ chất sẽ được liên kết tạm thời với enzim và nhờ đó phản ứng được xúc tác.

Cơ chế hoạt động của enzim: Enzim thoạt đầu liên kết với cơ chất tại trung tâm hoạt động tạo nên phức hợp enzim – cơ chất. Sau đó bằng nhiều cách khác nhau enzim tương tác với cơ chất để tạo ra sản phẩm. Việc liên kết enzim – cơ chất mang tính đặc thù. Vì thế mỗi enzim thường chỉ xúc tác cho một vài phản ứng.

2. Khi nhiệt độ tăng lên quá cao so với nhiệt độ tối ưu của một enzim thì hoạt tính của enzim đó bị giảm hoặc bị mất hoàn toàn là do: Enzim có cấu tạo từ prôtêin kết hợp với các chất khác, mà prôtêin là hợp chất dễ bị biến tính dưới tác động của nhiệt độ. Khi nhiệt độ tăng quá cao, prôtêin sẽ bị biến tính (nên giảm hoặc mất hoạt tính).

 

Câu 9: Tế bào nhân thực có các bào quan có màng bao bọc cũng như có lưới nội chất chia chất tế bào thành những xoang tương đối cách biệt có lợi gì cho sự hoạt động của enzim? Giải thích?

 

Trả lời:

Tế bào nhân thực có các bào quan có màng bao bọc cũng như có lưới nội chất chia tế bào chất thành những ngăn tương đối cách biệt.

Cấu trúc như vậy có lợi cho hoạt động của enzim: tạo điều kiện cho sự phối hợp hoạt động của các enzim. Vì trong tế bào enzim hoạt động theo kiểu dây chuyền, sản phẩm của phản ứng do enzim trước đó xúc tác sẽ là cơ chất cho phản ứng do enzim sau tác dụng. Ví dụ, trong hạt lúa mạch đang nảy mầm amilaza phân giải tinh bột thành mantôzơ và mantaza sẽ phân giải mantôzơ thành glucôzơ.

 

Câu 10: Tế bào có thể tự điều chỉnh quá trình chuyển hóa vật chất bằng cách nào?

 

Trả lời:

– Tế bào có thể tự điều chỉnh quá trình chuyển hóa vật chất để thích ứng với môi trường bằng cách điều chỉnh hoạt tính của các loại enzim. Một trong các cách điều chỉnh hoạt tính của enzim khá hiệu quả và nhanh chóng là sử dụng các chất ức chế hoặc hoạt hóa enzim. Các chất ức chế đặc hiệu khi liên kết với enzim sẽ làm biến đổi cấu hình của enzim làm cho enzim không thể liên kết được với cơ chất. Ngược lại, các chất hoạt hoá khi liên kết với enzim sẽ làm tăng hoạt tính của enzim.

– Ức chế ngược là kiểu điều hòa trong đó sản phẩm của con đường chuyên hóa quay lại tác động như một chất ức chế làm bất hoạt enzim xúc tác cho phản ứng ở đầu của con đường chuyển hóa.

Khi một enzim nào đó của tế bào không được tổng hợp hoặc quá ít hoặc bị bất hoạt thì không những sản phẩm không được tạo thành mà cơ chất của enzim đó cũng bị tích lũy và gây độc, gây bệnh rối loạn chuyển hóa.

Mytranshop.com khuyên bạn nên xem:  Mẫu cầu thang nhà ống 5m đẹp mà đơn giản 2022 | Mytranshop.com

 

Câu 11: Trình bày cấu trúc enzim và vai trò của nó trong quá trình chuyển hóa vật chất?

 

Trả lời:

1. Cấu trúc của enzim

– Enzim có bản chất là prôtêin, thành phần của nó có thể chỉ là prôtêin hoặc prôtêin liên kết với các chất khác không phải prôtein.

– Enzim có vùng cấu trúc không gian đặc biệt gọi là trung tâm hoạt động, đây là vùng chuyên liên kết với cơ chất, tại đây các cơ chất liên kết tạm thời với enzim và nhờ đó phản ứng được xúc tác.

– Trung tâm hoạt động của enzim có cấu hình không gian phải phù hợp với cấu hình không gian của cơ chất.

  1. Vai trò của enzim trong quá trình chuyển hóa vật chất

– Nhờ enzim mà các quá trình sinh hóa trong cơ thể sống xảy ra rất nhạy với tốc độ lớn trong điều kiện sinh lí bình thường. Khi có enzim xúc tác, tốc độ của một phản ứng có thể tăng hàng triệu lần. Nếu tế bào không có các enzim thì các hoạt động sống không thể duy trì được vì tốc độ của các phản ứng sinh hoá xảy ra quá chậm.

– Tế bào có thể điều hòa quá trình chuyển hoá vật chất thông qua điều khiển hoạt tính của các enzim bằng các chất hoạt hoá hay ức chế. Các chất ức chế đặc hiệu khi liên kết với enzim sẽ làm biến đổi cấu hình của enzim làm cho enzim không thể liên kết được với cơ chất. Ngược lại, các chất hoạt hoá khi liên kết với enzim sẽ làm tăng hoạt tính của enzim.

– Ức chế ngược là kiểu điều hoà trong đó sản phẩm của con đường chuyển hoá quay lại tác động như một chất ức chế, làm bất hoạt enzim xúc tác cho phản ứng ở đầu của con đường chuyển hoá.

– Khi một enzim nào đó trong tế bào không được tổng hợp hoặc tổng hợp quá ít hay bị bất hoạt thì sản phẩm không những không được tạo thành mà cơ chất của enzim đó cũng sẽ bị tích luỹ lại gây độc cho tế bào hoặc có thể được chuyển hoá theo con đường phụ thành các chất độc gây nên các triệu chứng bệnh lí. Các bệnh đó ở người được gọi là bệnh rối loạn chuyển hoá.

 

Câu 12: Những yếu tố nào ảnh hưởng đến hoạt tính của enzim? Hoạt tính của enzim tỉ lệ thuận với nhiệt độ đúng hay sai?

 

Trả lời:

1. Các yếu tố ảnh hưởng tới hoạt tính của enzim:

– Nhiệt độ: Tốc độ của phản ứng enzim chịu ảnh hưởng của nhiệt độ. Mỗi enzim có một nhiệt độ tối ưu (tại nhiệt độ này enzim có hoạt tính cao nhất). Ví dụ: đa số các enzim ở tế bào của cơ thể người hoạt động tối ưu ở khoảng nhiệt độ 350C – 400C, nhưng enzim của vi khuẩn suối nước nóng lại hoạt động tốt nhất ở 700C hoặc cao hơn. Khi chưa đạt đến nhiệt độ tối ưu của enzim thì sự gia tăng nhiệt độ sẽ làm tăng tốc độ phản ứng enzim. Tuy nhiên, khi đã qua nhiệt độ tối ưu của enzim thì sự gia tăng nhiệt độ sẽ làm giảm tốc độ phản ứng và có thể enzim bị mất hoàn toàn hoạt tính.

– Độ pH: Mỗi enzim có pH tối ưu riêng. Đa số enzim có pH tối ưu trong khoảng 6 – 8. Có enzim hoạt động tối ưu trong môi trường axit như pepsin (enzim trong dạ dày) hoạt động tối ưu ở pH = 2.

– Nồng độ cơ chất: Với một lượng enzim xác định, nếu tăng dần lượng cơ chất trong dung dịch thì thoạt đầu hoạt tính của enzim tăng dần nhưng đến một lúc nào đó thì sự gia tăng về nồng độ cơ chất cũng không làm tăng hoạt tính của enzim. Đó là vì tất cả các trung tâm hoạt động của enzim đã được bão hoà bởi cơ chất.

– Nồng độ enzim: Với một lượng cơ chất xác định, nồng độ enzim càng cao thì tốc độ phản ứng xảy ra càng nhanh. Tế bào có thể điều hoà tốc độ chuyển hoá vật chất bằng việc tăng giảm nồng độ enzim trong tế bào.

– Chất ức chế hoặc hoạt hoá enzim: Một số chất hoá học có thể ức chế hoạt động của enzim nên tế bào khi cần ức chế enzim nào đó cũng có thể tạo ra các chất ức chế đặc hiệu cho enzim ấy (Ví dụ: một số chất độc hại từ môi trường như thuốc trừ sâu DDT là những chất ức chế một số enzim quan trọng của hệ thần kinh người và động vật). Một số chất khác khi liên kết với enzim lại làm tăng hoạt tính của enzim.

2. Nhiệt độ ảnh hưởng đến hoạt tính của enzim nhưng không theo tỉ lệ thuận. Mỗi enzim có một nhiệt độ tối ưu mà tại đó enzim có hoạt tính tối đa. Quá nhiệt độ tối ưu, hoạt tính giảm dần và có thể ngừng hẳn.

 

Câu 13: Trình bày cơ chế tác động của enzim?

 

Trả lời:

– Sơ đồ tổng quát:

Enzim + cơ chất → phức hợp enzim-cơ chất → sản phẩm trung gian → sản phẩm + enzim

– Thoạt đầu, enzim liên kết với cơ chất tại trung tâm hoạt động để tạo hợp chất trung gian (enzim – cơ chất). Sau đó, bằng nhiều cách khác nhau, enzim tương tác với cơ chất để tạo ra sản phẩm của phản ứng và giải phóng enzim nguyên vẹn. Enzim được giải phóng lại có thể xúc tác phản ứng với cơ chất mới cùng loại.

– Liên kết enzim – cơ chất mang tính đặc thù, vì thế mỗi loại enzim thường chỉ xúc tác cho một loại phản ứng sinh hoá. Cuối phản ứng, hợp chất đó sẽ phân giải để cho sản phẩm của phản ứng.

Mytranshop.com khuyên bạn nên xem:  Giá Đá Chẻ Xây Móng Ốp Tường Rẻ Nhất Tphcm 2022 | Mytranshop.com

 

Câu 14: Khi xào thịt bò người ta thường cho vài lát dứa tươi vào xào cùng. Tương tự khi ăn thịt bò khô người ta hay ăn cùng với nộm đu đủ. Em hãy giải thích cơ sở khoa học của các biện pháp trên?

 

Trả lời:

Dứa có chứa bromelin còn đu đủ có chứa papain, đều là những enzim có tác dụng thủy phân prôtêin thành các axit amin có tác dụng tốt trong tiêu hóa. Chúng có tác dụng giống pepsin của dạ dày hoăc trypsin của dịch tụy. Vì vậy khi xào thịt bò với dứa sẽ giúp cho thịt được mềm hơn còn ăn thịt bò khô với nộm đu đủ sẽ giúp ích cho việc tiêu hóa.

 

Câu 15: Thế nào là hô hấp tế bào? Quá trình hít thở của con người có liên quan như thế nào với quá trình hô hấp tế bào?

 

Trả lời:

1. Hô hấp tế bào là quá trình chuyển đổi năng lượng rất quan trọng của tế bào sống. Trong quá trình đó các phân tử chất hữu cơ bị phân giải đến CO2 và H2O, đồng thời năng lượng được giải phóng chuyển thành dạng năng lượng dễ sử dụng chứa trong phân tử ATP. Ở tế bào nhân thực, quá trình này diễn ra trong ti thể.

2. Quá trình hít thở của con người là quá trình hô hấp ngoài. Quá trình này giúp trao đổi O2 và CO2 cho quá trình hô hấp tế bào.

 

Câu 16: Hô hấp tế bào có thể được chia thành mấy giai đoạn chính? Là những giai đoạn nào? Mỗi giai đoạn của quá trình hô hấp tế bào diễn ra ở đâu?

 

Trả lời:

– Quá trình hô hấp tế bào từ một phân tử glucôzơ được chia thành ba đoạn chính: đường phân, chu trình Crep và chuỗi chuyền electron hô hấp.

– Đường phân diễn ra trong tế bào chất. Chu trình Crep diễn ra trong chất nền của ti thể. Chuỗi chuyền electron hô hấp diễn ra ở màng trong của ti thể.

 

Câu 17: Quá trình hô hấp tế bào của một vận động viên đang tập luyện diễn ra mạnh hay yếu? Vì sao?

 

Trả lời:

Quá trình hô hấp tế bào của một vận động viên đang tập luyện diễn ra mạnh mẽ, vì khi tập luyện các tế bào cơ bắp cần nhiều năng lượng ATP, do đó quá trình hô hấp tế bào phải được tăng cường.

Chúng ta có thể thấy biểu hiện của việc tăng quá trình hô hấp tế bào thông qua việc tăng hô hấp ngoài do tăng cường hấp thụ ôxi và thải CO2 (ta có thể thấy những người tập luyện phải thở mạnh hơn). Trong trường hợp tập luyện quá sức, nhiều khi quá trình hô hâp ngoài không cung cấp đủ ôxi cho quá trình hô hấp tế bào, các tế bào cơ phải sử dụng quá trình lên men để tạo ra ATP. Khi đó có sự tích lũy axit lactic trong tế bào dẫn đến hiện tượng đau mỏi cơ ta không thể tiếp tục tập luyện được nữa, cần phải nghỉ ngơi, xoa bóp thải axit lactic ra ngoài cơ thể mới luyện tập tiếp được.

 

Câu 18: Quang hợp được thực hiện ở những nhóm sinh vật nào?Quang hợp thường được chia thành mấy pha? Là những pha nào?

 

Trả lời:

1. Quang hợp là quá trình sử dụng năng lượng ánh sáng để tổng hợp chất hữu cơ từ các nguyên liệu vô cơ. Trong sinh giới, những nhóm thực vật, tảo và một số vi khuẩn có khả năng quang hợp. Quang hợp ở vi khuẩn có những điểm khác biệt so với quang hợp ở thực vật tảo nhưng sự sai khác đó là không nhiều.

2. Quang hợp thường được chia thành hai pha: pha sáng và pha tối.

+ Pha sáng: Trong pha sáng, năng lượng ánh sáng được hấp thụ và chuyển thành dạng năng lượng trong các liên kết hóa học của ATP và NADPH. Vì vậy, pha này còn được gọi là giai đoạn chuyển đổi năng lượng ánh sáng.

+ Pha tối của quang hợp diễn ra trong chất nền của lục lạp. Trong pha tối, CO2   sẽ bị khử thành cacbohiđrat. Quá trình này còn được gọi là quá trình cố định CO2  (có nghĩa là nhờ quá trình này, các phân tử CO2   tự do được “cố định” lại trong các phân tử cacbohiđrat.

 

Câu 19:  Ở thực vật, pha sáng của quá trình quang hợp diễn ra ở đâu và tạo ra sản phẩm gì để cung cấp cho pha tối? Những phân tử nào chịu trách nhiệm hấp thụ năng lượng ánh sáng cho quang hợp?Oxi được sinh ra từ chất nào và trong pha nào của quá trình quang hợp?

 

Trả lời:

1.  Ở thực vật, pha sáng diễn ra khi có ánh sáng được biến đổi thành năng lượng trong các phân tử ATP và NADPH để cung cấp cho pha tối.

2.  Trong quang hợp, các phân tử hấp thụ năng lượng ánh sáng cho quá trình quang hợp là các sắc tố quang hợp: clorophyl (chất diệp lục), carôterôit (sắc tố vàng, da cam, tím đó), phicôbilin).

  1. Trong quá trình quang hợp, ôxi được sinh ra trong pha sáng, từ quá trình quang phân li nước. Quá trình quang phân li nước diễn ra nhờ vai trò xúc tác của phức hệ giải phóng ôxi.

 

Câu 20:  Pha tối của quang hợp diễn ra ở đâu? Sản phẩm ổn định đầu tiên của chu trình C3 là gì? Tại sao người ta lại gọi con đường C3 là chu trình?

 

Trả lời:

1. Pha tối của quang hợp diễn ra trong chất nền của lục lạp.

2. Sản phẩm ổn định đầu tiên của chu trình C3 là một hợp chất có ba cacbon (do đó chu trình này có tên là chu trình C3).

3. Người ta gọi đây là chu trình vì trong con đường này, chất kết hợp với CO2 đầu tiên là RuBP lại được tái tạo trong giai đoạn sau để con đường tiếp tục quay vòng.

Leave a Comment