ẢNH HƯỞNG CỦA MÔI TRƯỜNG LÊN SỰ BIỂU HIỆN CỦA GEN
1. Mối quan hệ kiểu gen – môi trường – kiểu hình
– Mối quan hệ giữa gen và tính trạng:
=> Từ sơ đồ cho thấy gen biểu hiện thành tính trạng phải trải qua nhiều giai đoạn có sự tác động của môi trường. Như vậy kiểu hình là kết quả sự tương tác giữa kiểu gen với môi trường. Với cùng một kiểu gen nhưng trong những điều kiện môi trường khác nhau cho những kiểu hình khác nhau.
2. Thường biến (sự mềm dẻo về kiểu hình)
2.1. Khái niệm
– Thường biến: là những biến đổi kiểu hình của cùng một kiểu gen, phát sinh trong quá trình phát triển cá thể dưới ảnh hưởng của điều kiện môi trường.
– Thường biến (sự mềm dẻo về kiểu hình) chính là sự tự điều chỉnh về sinh lí giúp sinh vật thích nghi với những thay đổi của môi trường.
– Ví dụ: Sự biến đổi lá của cây rau mác trong các điều kiện ngập nước khác nhau.
2.2. Đặc điểm của thường biến
– Chỉ biến đổi kiểu hình mà không biến đổi kiểu gen nên không di truyền được.
– Xảy ra đồng loạt theo một hướng xác định tương ứng với điều kiện môi trường.
– Giúp sinh vật thích nghi với môi trường sống để tồn tại.
3. Mức phản ứng
3.1. Khái niệm
– Tập hợp các kiểu hình của cùng 1 kiểu gen tương ứng với các môi trường khác nhau gọi là mức phản ứng.
– VD: Con tắc kè hoa
+ Trên lá cây: da có hoa văn màu xanh của lá cây
+ Trên đá: màu hoa rêu của đá
+ Trên thân cây: da màu hoa nâu
=> Tập hợp các kiểu hình của con tắc kè hoa trong các điều kiện gọi là mức phản ứng về màu da tắc kè hoa.
3.2. Đặc điểm
– Mức phản ứng do gen quy định nên di truyền được.
– Mỗi gen có mức phản ứng riêng.
– Có 2 loại mức phản ứng: mức phản ứng rộng và mức phản ứng hẹp. Mức phản ứng càng rộng sinh vật càng dễ thích nghi.
3.3. Phương pháp xác định mức phản ứng
Để xác định được mức phản ứng của 1 kiểu gen cần phải tạo ra các cá thể sinh vật có cùng 1 kiểu gen, với cây sinh sản sinh dưỡng có thể xác định mức phản ứng bằng cách cắt đồng loạt cành của cùng 1 cây đem trồng trong những điều kiện môi trường khác nhau rồi theo dõi đặc điểm của chúng.
3.4. Phân biệt thường biến với mức phản ứng
Thường biến |
Mức phản ứng |
Hiện tượng một kiểu gen có thể thay đổi kiểu hình trước các điều kiện môi trường khác nhau. |
Tập hợp các kiểu hình của một kiểu gen tương ứng với các môi trường khác nhau. |
Không di truyền vì do tác động của môi trường. |
Di truyền được vì do kiểu gen quy định |
3.5. Phân biệt thường biến với đột biến
|
Thường biến |
Đột biến |
Khái niệm |
Là hiện tượng biến đổi kiểu hình của một kiểu gen do tác động của môi trường |
Là sự biến đổi vật chất di truyền (ADN hoặc NST) |
Tính chất |
– Biến đổi đồng loạt theo hướng xác định – Không di truyền |
– Biến đổi vô hướng – Di truyền được. |
Ý nghĩa |
Có lợi cho sinh vật giúp sinh vật thích nghi với môi trường sống. |
Tạo nguồn nguyên liệu sơ cấp cho tiến hóa và chọn giống. |