CÁC CƠ CHẾ CÁCH LI
Sự trao đổi gen giữa các quần thể trong loài hoặc giữa các nhóm cá thể phân li từ quần thể gốc bị hạn chế hoặc cản trở hoàn toàn do các cơ chế cách li. Sự cách li ngăn cản giao phối tự do, do đó củng cố, tăng cường sự phân hóa vốn gen trong quần thể bị chia cắt.
1. Cách li địa lí
– Các quần thể trong loài bị phân cách nhau bởi các vật cản địa lí (cách li không gian) như núi, sông, biển nên không thể giao phối với nhau.
– Những loài ít di động hoặc không có khả năng di động và phát tán dễ chịu ảnh hưởng của cách li này.
2. Cách li sinh sản
Cách li sinh sản được chia làm 2 loại: cách li trước hợp tử và cách li sau hợp tử.
2.1. Cách li trước hợp tử ( cách li trước giao phối)
– Là những trở ngại ngăn cản các sinh vật giao phối với nhau được gọi là cơ chế cách li trước hợp tử. Đây thực chất là cơ chế ngăn cản thụ tinh tạo ra hợp tử gồm:
a) Cách li nơi ở (sinh cảnh): những cá thể của loài sống ở những sinh cảnh khác nhau nên không giao phối với nhau.
b) Cách li tập tính: Các cá thể khác loài có những tập tính giao phối riêng nên giữa chúng thường không giao phối với nhau.
c) Cách li thời gian (mùa vụ): Các cá thể thuộc các loài khác nhau có thể sinh sản vào những mùa khác nhau nên chúng không có điều kiện giao phối với nhau.
d) Cách li cơ học: Các cá thể thuộc các loài khác nhau có thể có cấu tạo cơ quan sinh dục khác nhau nên chúng không thể giao phối với nhau.
2.2. Cách li sau hợp tử (cách li sau giao phối)
– Cách li sau hợp tử là những trở ngại ngăn cản tạo ra con lai hoặc ngăn cản việc con lai hữu thụ gồm các mức độ:
+ Giao tử bị chết
+ Hợp tử bị chết
+ Con lai chết non
+ Con lai bất thụ
– Nguyên nhân là do mỗi loài có một bộ nhiễm sắc thể đặc trưng về số lượng, hình dạng và cấu trúc.