1. Thiên nhiên và đời sống của con người
– Hi Lạp, Rô-ma nằm ở ven biển Địa Trung Hải có nhiều đảo, đất canh tác ít và khô cứng, đã tạo ra những thuận lợi và khó khăn.
+ Thuận lợi: Có biển, nhiều hải cảng, giao thông trên biển dễ dàng, ngư nghiệp, thương nghiệp và nghề hàng hải sớm phát triển.
+ Khó khăn: đất ít và xấu, nên chỉ thích hợp loại cây lưu niên, do đó thiếu lương thực luôn phải nhập.
– Khoảng đầu thiên niên kỉ I TCN, cư dân Địa Trung Hải bắt đầu biết chế tạo công cụ bằng sắt, cho phép khai hoang trên diện tích rộng hơn.
– Thủ công nghiệp rất phát đạt, có nhiều ngành nghề, nhiều thợ giỏi, hàng hóa đẹp, chất lượng cao, quy mô lớn.
– Thương nghiệp đường biển rất phát triển, mở rộng buôn bán với mọi miền ven Địa Trung Hải, với các nước phương Đông:
+ Sản phẩm mua về lúa mì, súc vật lông thú (Hắc hải, Ai Cập); tơ lụa, hương liệu, xa xỉ phẩm từ phương Đông.
+ Đê-lốt, Pi-rê là trung tâm buôn bán nô lệ lớn của thế giới cổ đại.
+ Thương mại phát đạt,thúc đẩy sự lưu thông tiền tệ (tiền cổ của Rô-ma và A ten).
+ Hi Lạp, Rô-ma trở thành các quốc gia giàu mạnh.
=> Như vậy cuộc sống ban đầu của cư dân Địa Trung Hải là: Sớm biết buôn bán, đi biển và trồng trọt.
2. Thị quốc Địa Trung Hải
– Nguyên nhân ra đời của thị quốc: tình trạng đất đai phân tán nhỏ và đặc điểm của cư dân sống bằng nghề thủ công và thương nghiệp nên đã hình thành các thị quốc.
– Tổ chức của thị quốc: Về đơn vị hành chính là một nước, trong nước thành thị là chủ yếu. Thành thị có lâu đài, phố xá, sân vận động và bến cảng.
– Tính chất dân chủ của thị quốc: Quyền lực không nằm trong tay quý tộc mà nằm trong tay Đại hội công dân, Hội đồng 500… mọi công dân đều được phát biểu và biểu quyết những công việc lớn của quốc gia.
– Bản chất của nền dân chủ cổ đại ở Hi Lạp, Rô-ma: Đó là nền dân chủ chủ nô, dựa vào sự bóc lột thậm tệ của chủ nô đối với nô lệ.
– Hi Lạp giàu có nhờ nền kinh tế công thương nghiệp, sử dụng lao động nô lệ. Nô lệ bị bóc lột nên phản kháng chủ nô.
– Đến thế kỉ III trước công nguyên, thị quốc Rô-ma lớn mạnh đi xâm chiếm các nước khác, trở thành đế quốc Rô-ma. Đế quốc Rô-ma thủ tiêu thể chế dân chủ thay bằng một hoàng đế đầu quyền lực như hoàng đế Xê-da.
3. Văn hóa cổ đại Hi Lạp và Rô-ma
– Đồ sắt và sự tiếp xúc với biển đã nâng họ lên trình độ cao hơn về sản xuất và buôn bán trên biển.
– Là cơ sở để họ đạt tới trình độ sáng tạo văn hóa cao hơn trước.
a. Lịch và chữ viết
– Lịch: cư dân cổ đại Địa Trung Hải đã tính được lịch một năm có 365 ngày và 1/4 nên họ định ra một tháng lần lượt có 30 và 31 ngày, riêng tháng hai có 28 ngày. Dù chưa thật chính xác nhưng cũng rất gần với hiểu biết ngày nay.
– Chữ viết: Phát minh ra hệ thống chữ cái A, B, C,.. lúc đầu có 20 chữ, sau thêm 6 chữ nữa để trở thành hệ thống chữ cái hoàn chỉnh như ngày nay.
– Ngoài ra, còn có hệ “số La Mã” mà ngày nay hay sử dụng để đánh dấu các đề mục.
– Ý nghĩa của việc phát minh ra chữ viết: Đây là cống hiến lớn lao của cư dân Địa Trung Hải cho nền văn minh nhân loại.
b. Sự ra đời của khoa học
– Chủ yếu các lĩnh vực: toán, lí, sử, địa..
+ Toán học: người Hi Lạp vượt lên trên như Thales, Py-tha-gor, Euclid..
+ Vật Lí: có Archimède.
+ Sử học: vượt qua sự ghi chép tản mạn, họ biết tập hợp tài liệu, phân tích và trình bày có hệ thống: Hê-rô-đốt, Tu-si-đi, Ta-sít.
– Khoa học đến Hi Lạp, Rô-ma mới thực sự trở thành khoa học vì có độ chính xác của khoa học, đạt tới trình độ khái quát thành định lí, lí thuyết và nó thực hiện bởi các nhà khoa học có tên tuổi, đặt nền móng cho ngành khoa học đó.
c. Văn học
– Ở Hi Lạp, sau bản anh hùng ca nổi tiếng của Hô-me là I-li-át và Ô-đi-xê, đã xuất hiện những nhà văn có tên tuổi như Etxin, Sô-phốc, Bripít.
– Người Rô ma tự nhận là học trò và người thừa kế của văn học – nghệ thuật Hi Lạp.
– Hình thức nghệ thuật chủ yếu là kịch (kịch kèm theo hát).
– Một số nhà viết kịch tiêu biểu như: Sô-phốc, Ê-sin, Lu-crexơ, Viếc-gin…
– Giá trị của các vở kịch: Ca ngợi cái đẹp, cải thiện và có tính nhân đạo sâu sắc.
d. Nghệ thuật
– Nghệ thuật tạc tượng thần và xây đền thờ thần đạt đến đỉnh cao.
+ Người Hi Lạp để lại nhiều tượng và đền đài đạt trình độ tuyệt mỹ, khiến đời sau khâm phục: người lực sĩ ném đĩa, tượng nữ thần A-tê-na đội mũ chiến binh, thần Vệ nữ Mi-lô…
+ Rô-ma có nhiều công trình kiến trúc như đền đài, cầu máng dẫn nước, trường đấu oai nghiêm, đồ sộ… nhưng không tính tế, tươi tắn như những công trình ở Hi Lạp.