I. Chuyển động biểu kiến hàng năm của Mặt Trời
– Là chuyển động nhìn thấy được nhưng không có thật của Mặt Trời hàng năm diễn ra giữa hai chí tuyến.
– Nguyên nhân: Do trục trái đất nghiêng và không đổi phương khi Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời nên bán cầu Bắc và bán cầu Nam lần lượt ngả về phía Mặt Trời cho ta ảo giác Mặt Trời chuyển động.
– Mặt trời lên thiên đỉnh (tia sáng Mặt Trời chiếu thẳng góc với tiếp tuyến bề mặt đất lúc 12h trưa) trong vùng nội chí tuyến:
+ Mọi địa điểm nằm từ chí tuyến Bắc đến chí tuyến Nam trong năm có 2 lần Mặt Trời lên thiên đỉnh.
+ Tại chí tuyến Bắc và chí tuyến Nam chỉ có 1 lần Mặt Trời lên thiên đỉnh trong năm, vào ngày:
+ Chí tuyến Bắc: 22/6
+ Chí tuyến Nam: 22/12
+ Xích đạo: 21/3 ; 23/9
II. Các mùa trong năm
– Mùa là một phần thời gian của năm có những đặc điểm riêng về thời tiết và khí hậu.
– Mỗi năm có 4 mùa:
+ Mùa xuân.
+ Mùa hạ.
+ Mùa thu.
+ Mùa đông
– Ở Bắc bán cầu mùa ngược lại Nam bán cầu.
Ở Bắc bán cầu, theo dương lịch ngày bắt đầu các mùa là 21/3(Xuân phân), 22/6 (Hạ chí), 23/9 (Thu phân), 22/12 (Đông chí). Theo âm – dương lịch ngày bắt đầu các mùa sớm hơn dương lịch 45 ngày.
– Nguyên nhân do trục Trái Đất nghiêng và không đổi phương khi Trái Đất chuyển động xung quanh Mặt Trời.
III. Ngày đêm dài ngắn theo mùa, theo vĩ độ
Nguyên nhân do trục Trái Đất nghiêng và không đổi phương khi Trái Đất chuyển động xung quanh Mặt Trời.
1. Ngày đêm dài ngắn theo mùa
– Xét ở Bán cầu bắc, theo dương lịch
+ Mùa xuân, mùa hạ (21/3 đến 23/9): Ngày dài hơn đêm.
+ Mùa thu, mùa đông: Ngày ngắn hơn đêm.
+ Ngày 22/6 có ngày dài nhất và đêm ngắn nhất.
+ Ngày 22/12 có ngày ngắn nhất, đêm dài nhất.
– Ở bán cầu Nam thì ngược lại.
2. Ngày đêm dài ngắn theo vĩ độ
– Xích đạo ngày đêm luôn dài bằng nhau và bằng 12 giờ.
– Càng về phía cực sự chênh lệch về độ dài ngày đêm càng tăng.
– Vùng gần cực, vùng cực có ngày/ đêm dài 24 giờ. Vùng cực trong năm có 1 ngày đêm với ngày dài 6 tháng và đêm dài 6 tháng.