HỌC THUYẾT TIẾN HÓA TỔNG HỢP HIỆN ĐẠI
1.Tiến hóa nhỏ và tiến hóa lớn
a. Tiến hóa nhỏ
Tiến hoá nhỏ là quá trình biến đổi thành phần kiểu trên của quần thể, bao gồm sự phát sinh đột biến, sự phát tán đột biến qua giao phối, sự chọn lọc các đột biến và biến dị tổ hợp có lợi, sự cách ly di truyền giữa quần thể đã biến đổi với quần thể gốc. Kết quả là sự hình thành loài mới.
Quá trình tiến hoá nhỏ diễn ra trong phạm vi tương đối hẹp, thời gian lịch sử tương đối ngắn, có thể nghiên cứu bằng thực nghiệm.
b. Tiến hóa lớn
Tiến hoá lớn là sự hình thành các nhóm phân loại trên loài như chi, họ, bộ, lớp, ngành.
Quá trình tiến hoá lớn diễn ra trong phạm vi rộng lớn, qua thời gian địa chất dài, chỉ có thể nghiên cứu qua gián tiếp qua các tài liệu cổ sinh vật học, giải phẫu học so sánh, phôi sinh học so sánh, địa lý sinh vật học…
2. Đơn vị tiến hóa cơ sở
Theo N.V. Timôphêep Rixôpxki (1977) đơn vị tiến hoá cơ sở phải thoả mãn 3 điều kiện là:
(i) có tính toàn vẹn trong không gian và thời gian.
(ii) biến đổi có cơ cấu di truyền qua các thế hệ.
(iii) tồn tại trong tự nhiên.
Cá thể không là đơn vị tiến hoá cơ sở bởi vì kiểu gen của cá thể hầu như không có thay đổi lớn trong suốt quá trình sống. Hơn nữa, thời gian sống của cá thể ngắn, vì vậy những biến đổi di truyền ở cá thể không được nhân lên trong quần thể thì sẽ không đóng góp vào quá trình tiến hoá.
Loài cũng không phải là đơn vị tiến hoá vì loài là hệ thống di truyền kín, nghĩa là cách ly sinh sản với các loài khác, do đó hạn chế khả năng cải biến thành phần kiểu gen của nó.
Chỉ có quần thể cùng một lúc thoả mãn cả 3 điều kiện trên nên quần thể là đơn vị tiến hóa cơ sở.
Hiện tượng tiến hoá cơ sở bắt đầu bằng những biến đổi di truyền trong đơn vị tiến hoá cơ sở, biểu hiện ở biến đổi tần số tương đối của các alen diễn ở một số gen tiêu biểu của quần thể, diễn ra theo hướng xác định qua nhiều thế hệ.