I. Tìm hiểu chung
1. Tác giả
– Nhà thơ Y Phương, tên khai sinh là Hứa Vĩnh Sước, sinh năm 1948, là người dân tộc Tày
– Quê: Trùng Khánh – Cao Bằng
– Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi
– Năm 2007, ông được tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật
2. Bài thơ Nói với con
– Được sáng tác năm 1980, in trong tập “Thơ Việt Nam1945 – 1985”
II. Đọc- hiểu văn bản
1. Mượn lời nói với con, nhà thơ gợi về cội nguồn sinh dưỡng mỗi con người, gợi về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ quả quê hương mình.
Bố cục của bài thơ được chia thành 2 phần
– Phần 1: Từ đầu đến câu “Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời” : con lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ và quê hương.
– Phần 2: Còn lại: lòng tự hào với sức sống mạnh mẽ, bền bỉ, với truyền thống cao đẹp của quê hương.
=> Theo bố cục, nhất là theo diễn biến tâm trạng của nhà thơ, có thể thấy nhà thơ đã mở rộng từ tình cảm gia đình đến tình cảm quê hương, từ những kỷ niệm gần gũi, thiết tha mà nâng lên thành lẽ sống.
2. Người con được lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ, trong sự đùm bọc của của quê hương.
– Người con được sống trong tình yêu thương đầy đủ của một mái ấm gia đình, trọn vẹn tình cảm mẹ cha, đầm ấm, đầy ắp yêu thương trong một gia đình
“Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười”
– Không chỉ trong gia đình mà mở rộng ra, người con còn được lớn lên trong sự đùm bọc của những “ người đồng mình”, của quê hương thân yêu. Người cha đã nói về sự chăm chỉ đoàn kết lao động hăng say nhưng vẫn rất vui tươi, yêu đời: “Đan lờ cài nan hoa”. Là sự vun đắp và ý thức xây dựng hạnh phúc, tạo tiếng cười chan hòa cho tổ ấm, mái nhà thân yêu.” Người đồng mình” là những con người như vậy. Quê hương thân thiện, giàu lòng mến khách:
“Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng”
– Nơi đó là quê hương, là nơi bén duyên và chứng kiến hạnh phúc của cha mẹ từ những thuở đầu. Và đến tận bây giờ, khi con đã khôn lớn thì quê hương vẫn cùng với mẹ cha, nâng niu, trao tặng cho con một thứ tình cảm thiêng liêng quý báu và cũng rất êm đềm, đó là tình yêu quê hương- gia đình đối với một con người.
3. Những đức tính cao đẹp của “người đồng mình”
– Đó là ý chí lớn lao, sự bản lĩnh. Dù đi đâu xa quê hương nhưng vẫn luôn hướng về quê hương, trân trọng và yêu mến quê hương. Họ còn bền bỉ, siêng năng , không lo khổ cực:
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc.
– “Người đồng mình” còn mộc mạc, chất phác, không cầu kì kiểu cách, “ thô sơ da thịt”. Họ có lòng tự tôn, tự hào về quê hương “ tự đục đá kê cao quê hương”, lấy những đặc tính, nét riêng tốt đẹp của của quê hương làm phong tục, làm gốc rễ và hướng sống cho bản thân. “ Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”, đã không có ít người làm nên những điều tự hào cho quê hương mình.
– Từ đó, nhà thơ, người cha mong muốn người con tiếp tục tiếp nối những truyền thống tốt đẹp đó của quê hương cho dù có ở xa quê, bât kể nơi đâu. Tuy giản dị, “ thô sơ da thịt” nhưng bản chất con người luôn phải tốt đẹp, để mọi người tôn trọng, yêu quý:
“Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con”.
– Tình cảm của người cha dành cho người con giản dị, môc mạc chân chất nhưng lắng đọng, tha thiết, trìu mến và gửi gắm một niềm tin tưởng rất lớn vào người con của mình khi ra cuộc đời. Điều lớn lao nhất mà người cha muốn nói với con chính là niềm tự hào với sức sống mạnh mẽ bền bỉ của quê hương và niềm tin khi bước vào đời
4. Cách diễn tả tình cảm và suy nghĩ của nhà thơ trong vai trò của người cha
– Giản dị, chân chất, mộc mạc. Đặc biệt là với cách nói hình ảnh, cụ thể mà có tính khái quát, giàu chất thơ tạo sự sinh động, dễ hiểu. Ngoài ra, còn có thể kể đến bố cục chặt chẽ, cách dẫn dắt rất tự nhiên của tác giả.
III. Tổng kết
1. Nội dung
– Y Phương đã thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống, cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương và dân tộc mình.
– Bài thơ giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi , gợi nhắc tình cảm gắn bó với truyền thống, với quê hương, và ý chí vươn lên trong cuộc sống.
2. Nghệ thuật
– Từ ngữ mộc mạc, tự nhiên, giàu hình ảnh chứa sức gợi cảm
– Giọng thơ trìu mến, thân thương, sâu lắng.