1. Vai trò của pháp luật đối với sự phát triển bền vững của đất nước
* Trong lĩnh vực kinh tế
– Pháp luật tạo ra khung pháp lí cần thiết của hoạt động kinh doanh.
– Pháp luật ghi nhận và bảo đảm quyền tự do kinh doanh của công dân để làm giàu cho mình và cho đất nước.
– Thông qua các quy định về thuế, pháp luật khuyến khích các hoạt động kinh doanh trong những ngành, nghề có lợi cho phát triển kinh tế – xã hội.
Tóm lại, pháp luật giữ vai trò quan trọng, tác động đến toàn bộ nền kinh tế, khơi dậy mọi tiềm năng xã hội để phát triển kinh tế đất nước.
* Trong lĩnh vực văn hóa
– Văn hóa là một bộ phận hữu cơ trong toàn bộ hoạt động của xã hội. Pháp luật giữ vai trò chủ đạo, tác động tích cực vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam.
Pháp luật về văn hóa góp phần phát huy giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức lối sống tốt đẹp, góp phần vào việc phát triển kinh tế- xã hội đất nước.
* Trong lĩnh vực xã hội
– Pháp luật có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực xã hội.
– Các vấn đề xã hội nảy sinh trong thời kì kinh tế thị trường, chỉ được giải quyết một cách hiệu quả thông qua các quy định của pháp luật. Cho nên, pháp luật góp phần tích cực vào việc bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội trên đất nước.
* Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
– Các quy định của pháp luật có tác dụng ngăn ngừa, hạn chế tác động xấu của con người trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên nhằm bảo vệ có hiệu quả môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
– Pháp luật xác định trách nhiệm bảo về môi trường của các tố chức cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và trong đời sống cộng đồng.
– Pháp luật thúc đẩy hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, khuyến khích người dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
* Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh
– Pháp luật quy định về bảo vệ chế độ XHCN; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
– Pháp luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia của tổ chức và công dân.
– Pháp luật nghiêm khắc trừng trị và xử lí nghiêm minh đối với những hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
– Pháp luật giữ vai trò bảo đảm các điều kiện an ninh trật tự để xã hội ổn định và phát triển.
2. Một số nội dung cơ bản của pháp luật trong sự phát triển bền vững của đất nước
a. Một số nội dung cơ bản của pháp luật về phát triển kinh tế
* Quyền tự do kinh doanh của công dân
– Tự do kinh doanh có nghĩa là mọi công dân khi có đủ điều kiện do pháp luật quy định đều có quyền tiến hành hoạt động kinh doanh sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận đăng kí kinh doanh.
* Nghĩa vụ của công dân khi thực hiện các hoạt động kinh doanh
– Kinh doanh đúng ngành, nghề ghi trong giấy phép kinh doanh và những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
– Nộp thuế đầy đủ theo quy định của pháp luật.
– Bảo vệ môi trường.
– Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
– Tuân thủ các quy định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
b. Một số nội dung cơ bản của pháp luật về phát triển văn hóa
– Pháp luật ban hành các quy định về bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; khuyến khích tạo điều kiện cho các tổ chức và cá nhân tiến hành hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể.
– Pháp luật nghiêm cấm những hành vi truyền bá tư tưởng và văn hóa phản động, lối sống đồi trụy, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục; nghiêm cấm các hành vi xâm phạm đến các di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
c. Một số nội dung cơ bản của pháp luật về phát triển các lĩnh vực xã hội
– Pháp luật khuyến khích các cơ sở kinh doanh tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động.
– Pháp luật quy định, Nhà nước sử dụng các biện pháp kt- tài chính thực hiện xóa đói giảm nghèo.
– Luật HN và GĐ và Pháp lệnh Dân số có nghĩa vụ thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
– Luật Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe nhân dân quy định trách nhiệm việc Nhà nước áp dụng các biện pháp nhằm giảm tỉ lệ mắc bệnh, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ, đảm bảo phát triển giống nòi.
– Vấn đề phòng, chống tệ nạn xã hội , nhất là nạn mại dâm, ma túy; ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS, xây dựng lối sống văn minh, lành mạnh.
d. Một số nội dung cơ bản của pháp luật về bảo vệ môi trường
– Pháp luật quy định, việc bảo vệ môi trường phải tuân thủ nguyên tắc: bảo vệ môi trường phải gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững; phù hợp với trình độ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
– Pháp luật nghiêm cấm các hành vi phá hoại, khai thác trái phép rừng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên; các hành vi khai thác, đánh bắt các nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ hủy diệt; khai thác, kinh doanh, tiêu thụ các loài thực, động vật hoang dã quý hiếm thuộc danh mục cấm; chôn lấp chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng nơi quy định; thải chất thải chưa được xử lí, các chất độc, chất phóng xạ, chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước.
– Người có hành vi vi phạm quy định bảo vệ môi trường sẽ bị xử lí theo quy định của pháp luật.
e. Một số nội dung cơ bản của pháp luật về quốc phòng, an ninh
– Pháp luật quy định củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia là nhiệm vụ của toàn dân mà nòng cốt là Quân đội nhân dân và công an nhân dân.Mọi cơ quan, tổ chức và công dân có trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia củng cố, quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia. Mọi hành vi xâm phạm an ninh quốc gia đều phải bị xử lí nghiêm minh, kịp thời.
– Để mọi công dân thực hiện quyền, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, Nhà nước ban hành chế độ nghĩa vụ quân sự, thực hiện giáo dục quốc phòng trong cơ quan, tổ chức và đối với mọi công dân; tuyên truyền, giáo dục bảo vệ an ninh quốc gia.