I. Tế bào nhân sơ
1. Đặc điểm chung của tế bào nhân sơ
1.1. Cấu tạo
– Chưa có nhân hoàn chỉnh (nhân chưa có màng nhân bao bọc) => nhân sơ.
– Tế bào chất chưa có hệ thống nội màng và không có các bào quan có màng bao bọc.
1.2. Kích thước
– Khoảng 1- 5μm, bằng khoảng 1/10 tế bào nhân thực => tốc độ trao đổi chất với môi trường sống nhanh => sinh trưởng, sinh sản nhanh (thời gian sinh sản ngắn).
2. Cấu tạo tế bào nhân sơ
2.1. Thành tế bào, màng sinh chất, lông và roi
a. Thành tế bào
– Cấu tạo:
+ Thành tế bào được cấu tạo bằng peptiđôglican.
+ Dựa vào cấu trúc và thành phần hoá học của thành tế bào vi khuẩn chia làm 2 loại là vi khuẩn Gram dương (G+) và Gram âm (G–).
– Chức năng: quy định hình dạng tế bào.
b. Màng sinh chất
– Cấu tạo: Màng sinh chất gồm 2 lớp phôtpholipit và prôtêin.
– Chức năng: Bảo vệ tế bào và vận chuyển các chất.
c. Lông và roi
– Roi( tiên mao): giúp vi khuẩn di chuyển.
– Lông( nhung mao): Ở một số vi khuẩn gây bệnh ở người, lông giúp chúng bám được vào bề mặt tế bào người.
d. Vỏ nhày
– Một số loại vi khuẩn còn có thêm 1 lớp vỏ nhày (vi khuẩn gây bệnh ở người) nằm bên ngoài thành tế bào.
– Chức năng: Làm tăng sức bảo vệ tế bào, bám dính vào các bề mặt.
2.2. Tế bào chất
– Nằm giữa màng sinh chất và vùng nhân.
– Cấu tạo:
+ Gồm 2 thành phần chính là bào tương (một dạng chất keo bán lỏng chứa nhiều hợp chất hữu cơ và vô cơ khác nhau) và các ribôxôm, các hạt dự trữ.
+ Không có: Khung tế bào, hệ thống nội màng, bào quan có màng.
+ Một số vi khuẩn có plasmit (phân tử ADN dạng vòng nhỏ nằm trong tế bào chất của vi khuẩn).
2.3. Vùng nhân
– Chưa có màng nhân.
– Chỉ chứa 1 phân tử ADN dạng vòng.