I. Tìm hiểu chung
1. Tác giả
– Lưu Quang Vũ (1948-1988), là nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng ở Việt Nam.
– Quê quán: quê gốc ở Đà Nẵng nhưng sinh ở Phú Thọ
– Ông từng là bộ đôi kháng chiến và bắt đầu sáng tác thơ từ những năm 60/TK XX và chuyển sang làm lĩnh vực sân khấu (kịch) từ những những năm 80/ TK XX ( suốt 10 năm hoạt động có khoảng 50 kịch bản được dàn dựng)
+ Đặc điểm ngòi bút kịch Lưu Quang Vũ nhạy cảm, sắc bén, đề cập đến hàng loạt những vấn đề có tính thời sự nóng hổi trong cuộc sống đương thời, đáp ứng được những đòi hỏi của đông đảo người xem trong thời kì xã hội chuyển động mạnh mẽ theo hướng đổi mới.
– Năm 2000, Lưu Quang Vũ được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật
2. Kịch “Tôi và chúng ta”
– Nội dung: phản ánh được cuộc đấu tranh gay gắt để thay đổi phương thức tổ chức, lề lối hoạt động sản xuất ở xí nghiệp Thắng Lợi. Một bên là tư tưởng bảo thủ, khư khư giữ lấy nguyên tắc, quy chế đã xơ cứng, lạc hậu với đại diện các nhân vật Nguyễn Chính ( Phó giám đốc), Trương ( quản đốc phân xưởng) được sự hỗ trợ của Trần Khắc ( đại diện Ban thanh tra của Bộ). Một bên là tinh thần dám nghĩa dám làm, khát khao đổi mới vì lợi ích của mọi người với đại diện là Hoàng Việt ( Giám đốc xí nghiệp), Thanh ( kíp xưởng phân xưởng 1), Lê Sơn ( kĩ sư) và đa số anh chị em công nhân. Thể hiện sự xung đột giữa hai phía này, tác giả khẳng định rằng không có thứ chủ nghĩa tập thể chung chung, không thể giữ mãi các nguyên tắc, phương pháp của thời cũ trước sự biến chuyển sinh động của cuộc sống. Cái “ chúng ta” được hình thành từ nhiều cái “ tôi” cụ thể, vì thế cần quan tâm, chăm chút đến quyền lợi, hạnh phúc của từng cá nhân con người. Đặt trong tình hình đất nước ta những năm vở kịch ra đời, chủ đề của vở kịch quả là có ý nghĩa quan trọng.
* Đoạn trích trong SGK
– Đoạn trích thuộc cảnh ba của vở kịch (trong tổng số 9 cảnh).
– Nội dung: Diễn tả cuộc xung đột trực tiếp đầu tiên giưa khát khao đổi mới và phái bảo thủ khi công khai bộc lộ quan điểm
II. Đọc – hiểu văn bản
1. Chủ đề của vở kịch
– Đây là cuộc đấu tranh giữa hai quan điểm, hai cách suy nghĩ trong tổ chức và xây dựng cơ chế trong kinh doanh trong hoàn cảnh đất nước hòa bình, nền kinh tế của nước ta chuyển sang từ tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường sản xuất của hai bên. Một bên là có tư tưởng tiến bộ, hướng theo quy luật, hệ quả tự nhiên của thị trường kinh tế xã hội thời kì đổi mới, với các đại diện là Hoàng Việt (giám đốc xí nghiệp), Lê Sơn (kĩ sư), Thanh (kíp trưởng phân xưởng I) và đa số anh chị em công nhân và một bên là những người cơ tư tưởng trì trệ, vẫn theo hướng tổ chức sản xuất thời bao cấp lạc hậu với các đại diện là Nguyễn Chính
(Phó giám đốc), Trương (quản đốc phân xưởng), Trần Khắc (đại diện Ban thanh tra Bộ).
=> Ý nghĩa cơ bản của xung đột là so sự khác biệt và mâu thuẫn trong cách nghĩ và hướng hoạt động vận hành nền kinh tế. Đây cũng chính là vấn đề thời sự nóng hổi được đặt ra ho nước ta giữa luồng thay đổi từ nên kinh tế quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Do vậy kịch Tôi và chúng ta đã gây và tạo được tiếng vang cho khán giả san khấu lúc đó bởi sự theo sát và đề cập , đáp ứng được đúng điểm nóng của xã hội lúc bấy giờ, đưa ra được cá kết đúng đắn và hợp lí, mở mang dân trí và tác động tích cực đối với nhận thức của độc giả, của những người xem sân khấu kịch.
2. Tình huống kịch và mâu thuẫn, xung đột kịch
– Để thể hiện sự phát triển của xung đột kịch, tác giả đã tạo tình huống. Trong cảnh ba, tình huống được đặt trong một cuộc họp của nhà máy xí nghiệp Thắng lợi. Đó là mâu thuẫn giữa hai luồng quan điểm, tư tưởng trái chiều, diễn ra quyết liệt và hệ quả của nó sẽ ở thế một mất một còn, không làng nhàng mà phải dứt khoát, như cuộc đấu tranh giữa ta và địch – không đội trời chung.
– Trong đoạn trích này, quan điểm và tư tưởng thức thời, sự cải tổ vận hành cơ chế sản xuất tiến bộ cho Giám đốc Hoàng Việt đề xướng. Nó chưa được vận dụng, hiện thực hóa vào thực tế nhưng thông qua hệ thống lí luận chặt chẽ, được sự đồng tình ủng hộ của đa số anh em công nhân và quần chúng nhân dân, thì tương lai có thể thấy rằng những tư tưởng chắc chắn sẽ trở thành hiện thực và mang lại đời sống tốt đẹp hơn cho công nhân, đưa nhà máy phát triển đi lên theo chiều hướng tích cực.
– Đối lập với tư tưởng tiến bộ trên thì Phó giám đốc Nguyễn Chính và một số cá nhân khác lại bảo thủ, trì trệ, cương quyết giữ lại cơ chế sản suất đó. Họ đã phản bác và đặt một câu hỏi ngược lại , dựa trên sự duy trì và tồn tại trước đó của cơ chế cũ đối với đất nước ta, con người ta.
+ “Không đâu! Cái cơ chế mà đồng chí mạt sát ấy tồn tại bền vững mấy chục năm nay. Nhờ nó mà chúng ta có hôm nay, có chủ nghĩa xã hội như ngày hôm nay, hạt gạo đồng chí ăn, cái áo đồng chí mặc và cả chính con người đồng chí đã dược rèn luyện và trưởng thành trong cơ chế ấy. Đừng vội vã phủ nhận”. Rõ ràng Phó giám đốc Nguyễn Chính thông minh và sắc sảo và đanh thép khi dựa trên những giá trị bền vững từng tồn tại, chúng ta công nhận và khẳng định quả thực những cơ chế ấy đã làm nên diện mạo của đất nước ta, nó tập trung sức người sức của tối đa để giúp đất nước ta chống vững được trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh lầm than. Giờ đây, đất nước ta đã chuyển sang thời bình , phương thức cũ sẽ gây nên tình trạng đánh đồng và dẫn đến sự ỉ lại, không công bằng, thậm chí bất hợp lí, bởi thông qua cuộc tranh luận đã làm bật một thực tế đã từng tồn tại trong thời bao cấp, đó là các chỉ tiêu, kế hoạch đã được đề ra theo cách thức chủ quan, áp đặt, hoàn toàn không căn cứ vào thực tế sản xuất:
Hoàng Việt: – Cái kế hoạch sản xuất ấy ở đâu ra, anh Chính?
Nguyễn Chính: – Ở cấp trên ạ.
Hoàng Việt: – Nhưng cấp trên dựa vào đâu mà ra cái kế hoạch đó?
Nguyễn Chính: – Có lẽ…dựa vào cấp trên cao hơn, dĩ nhiên!
Từ “có lẽ” sang “dĩ nhiên” chuyển từ thế phỏng đoán sang thế khẳng định, chắc chắn dứt khoát. Uy lực của cấp trên chính là yếu tố và cơ sở vững chắc để tự tin vào lí lẽ của mình
Vậy nên cần có một hướng đi mới hợp lí để phát triển kinh tế nước nhà.
– Tuy nhiên, sự sắc sảo và khá thông minh của Phó giám đốc Nguyễn Chính không làm lung lay bản lĩnh của Giám đốc Hoàng Việt bằng cách phản biện đưa ra lí lẽ thức thời như một chân lí: “sự vật không đứng yên một chỗ, có cái hôm qua đúng, hôm nay nó là vật cản. Phải tìm cách phá bỏ”. Nguyễn Chính không chịu thua, anh dựa vào cơ quan chính quyền, dựa vào Nghị quyết để khống chế Hoàng Việt, nhưng quyết đoán và uy lực hơn Hoàng Việt dựa vào quyền hạn tối cao của mình để bảo vệ quan điểm của mình…
– Cuộc đấu tranh mới – cũ diễn ra cam go, kịch tính và ngầm chứa nhiều sự phản ứng.
+ Đầu tiên, khi giám đốc Việt tuyên bố đề án mới , phái bảo thủ im lặng hoạc phản ứng một cách dè dặt. sự lặng im rất có thể là đang dò tìm kẽ hở của đối phương để phản biện.
+ Khi Giám đốc phân tích sự bất hợp lí giữa số lượng công nhân và yêu cầu giá trị, số lượng của công việc có sự chênh lệch, thì Trưởng phòng tổ chức lao động bắt đầu lên tiếng, nguyên tắc, văn bản ban hành chính là cơ sở để anh ta bám vào.
+ Khi Giám đốc Việt bẻ gãy lí lẽ đó, nhóm bảo thủ đã tiến hành phản bác lần hai. Lần này là bà Trưởng phòng tài vụ tham gia, bà là tay hòm chìa khóa và không chịu duyệt tài chính, không chịu cấp tiền tu sửa máy móc.
=> Đây là cuộc đấu tranh gay gắt cam go, giữa một bên mới chỉ là hình thành ý tưởng và một bên đang nắm vững các cốt lỗi và nguyên tắc tài chính, kế toán. Mỗi bên, để chạm được đến hướng mục tiêu của mình quả thực không dễ dàng. Tuy nhiên sự phát triển của tình thế đã cho thấy bản lĩnh, kiên quyết của vị giám đốc mới bằng cách hạ chốt bằng uy quyền của mình, cơ sở dựa trên yến tố đời sống của anh chị em công nhân, của quy luật phát triển kinh tế thời đại. Đây có thể coi là điểm mấu chốt khiến cho đề án sản xuất mới của Giám đốc Việt được những người công nhân như ông Quých, bà Bộng và đa số những người khác đồng tình ủng hộ.
3. Nhận xét chung về các tính các nhân vật trong cảnh ba của vở kịch
– Giám đốc Hoàng Việt là đại diện cho sự đổi mới, cho sự cải cách tiến bộ. Anh là một người có trách nhiệm cao, táo bạo, bản lĩnh, dám nghĩ dám làm vì một hướng tương lai tốt đẹp hơn, vì quyền lợi của anh em công nhân, vì sự nghiệp chung của nhà máy.
– Lên Sơn là một kĩ sư có năng lực, có chuyên môn giỏi. Anh đồng tình và ủng hộ suy nghĩ, cách làm táo bạo của anh giám đốc mới. Dù biết rằng khó khăn trước mắt những anh vẫn chấp nhận, sẵn sàng cùng giám đốc Hoàng Việt cải cách vì sự đi lên của tập thể.
– Phó giám đốc Nguyễn Chính tiêu biểu cho phe bảo thù, trì trệ, ngại thay đổi nhưng khôn ngoan và nhiều lí lẽ, luồn lách. Có lẽ nếu thay đổi thì cũng đi đôi với việc Chính phải thay đổi theo guồng cách làm mới. Điều này còn cho thấy anh là người không cầu tiến, ngại khó khăn gian khổ.
– Quản đốc Trương là người thích tỏ ra quyền thế, có suy nghĩ và hành động cứng nhắc như một cái máy.
4. Hướng kết thúc và xu thế phát triển của xung đột kịch
– Xu thế phát triển và hướng kết thúc của xung đột kịch nghiêng về quan điểm cũng như là ý tưởng cải cách của giám đốc Việt. Nó tạo niềm tin cho chúng ta bởi câu nói chắc nịch và đồng lòng quyết tâm của kĩ sư Lê Sơn với giám đốc Hoàng Việt:
+ “Thôi được, hứa với anh: Tôi không bỏ chạy đâu! Chỉ tuần sau là quy trình sản xuất sẽ được triển khai. Ông Đông – Ki- sốt!” . Đông-ki- sốt là anh chàng kị sĩ có phần khác số đông về tư tưởng và suy nghĩ , hành động. Lê Sơn nói vậy để cho thấy sự tương đồng với vị trí của giám đốc Hoàng Việt bây giờ- cũng đang tranh đấu và bảo vệ chính kiến, vạch ra con đường đi mới cho cơ chế của nhà máy Thắng Lợi. Câu nói “nhưng dứt khoát các cối xay gió nó sẽ cho chúng ta ăn đòn nhừ tử” ý chỉ sự phản ứng trái chiều của đa số dư luận. Kĩ sư Lê Sơn đã có những hình dung và phán đoán đó có thể là những chỉ trích, những sự không đồng tình, thậm chí lên án của đa số người trước sự thay đổi trong cơ chế sản xuất mà Giám đốc Việt đề xuất. Tuy nhiên anh vẫn kiên định và bản lĩnh đón nhận những thách thức để thoát sự trì trệ lạc hậu đã từng tồn tại.
– Cuộc đấu tranh gay gắt giữa cái mới và cái cũ được đề cập trong vở kịch Tôi và chúng ta cũng chính là một vấn đề nóng bỏng của thực tiễn đời sống sinh động, tuy gay go gặp nhiều trở ngại nhưng cuối cùng phần thắng đã thuộc về cái tối ưu, bởi nó phù hợp với yêu cầu phát triển cả xã hội nói chung và của nhà máy Thắng Lợi nói riêng. Do vậy những chủ trương ấy luôn được mọi người đồng tình.
III. Tổng kết
1. Nội dung
– Để phát triển sản xuất, để đem lại quyền lợi, hạnh phúc cho mọi người, cần phá bỏ cách nghĩ, cơ chế lạc hậu, cũ kĩ, cần mạnh dạn đổi mới phương thức tổ chức, lề lối hoạt động. Đây là một quá trình đấu tranh gay gắt, cần những con người có trí tuệ và bản lĩnh, dám nghĩ dám làm
2. Nghệ thuật
– Vở kịch Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ đã thể hiện những điều ấy qua việc xây dựng tình huống kịch hấp dẫn và các nhân vật có tính cách rõ rệt.