Hồn Trương Ba, da hàng thịt 2022 | Mytranshop.com

I. TÌM HIỂU CHUNG

1. Tác giả

a. Cuộc đời

– Lưu Quang Vũ (1948-1988) quê gốc ở Đà Nẵng nhưng sinh tại Phú Thọ.

– Sinh ra trong gia đình tri thức, cha là nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Thuận và sau này ông cũng nối nghiệp viết kịch của cha mình trở thành một cây bút kịch tài ba.

– Cuộc đời Lưu Quang Vũ có những lúc thăng trầm thậm chí là tuyệt vọng.

– Tình yêu chính là sự nâng đỡ tâm hồn và hạnh phúc gia đình với nữ sĩ Xuân Quỳnh đã tiếp thêm cho Lưu Quang Vũ một nguồn năng lượng mới trong sáng tác của mình.

– Lưu Quang Vũ qua đời trong khi tài năng đang độ chín, cả gia đình ông đều bị cướp đi tính mạng trong một vụ tai nạn.

b. Sự nghiệp

– Tác phẩm tiêu biểu của ông là: “Sống mãi tuổi 17”, “Nàng Xita”, “Bệnh sĩ”…

→ Lưu Quang Vũ trở thành hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch, được đánh giá là một nhà soạn kịch tài năng nhất của Việt Nam.

– Không chỉ viết kịch mà ông còn làm thơ: “Hương cây”, “Mây trắng của đời tôi”.

“Có những lúc tâm hồn tôi rách nát
Như chiếc gương chẳng biết soi gì”

 2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác: vở kịch được Lưu Quang Vũ viết vào băn 1981 công diễn lần đầu tiên năm 1984.

b. Ví trí

– Nằm ở cảnh 7 của đoạn kịch. Đây cũng là đoạn kết của vở kịch, đồng thời là lúc xung đột trung tâm được đẩy lên đỉnh điểm.

– Tóm tắt diễn biến tình huống kich:

Xung đột trung tâm của vở kịch (hồn Trương Ba và xác hàng thịt) lên đến đỉnh điểm. Sau mấy tháng trú ngụ trong thể xác anh hàng thịt, Trương Ba ngày càng trở nên xa lạ với bạn bè, người thân và ông cũng chán ghét chính mình.

Từ đó dẫn đến cuộc đối thoại mang tâm trạng dằn trở của nhân vật: đối thoại với chính mình (độc thoại) đan xen với các cuộc đối thoại khác (đối thoại giữa hồn Trương Ba với xác hàng thịt, với người vợ hiền, với Đế Thích).

+ Độc thoại: thể hiện sự “chán cái chỗ ở không phải của tôi”, muốn thoát ra khỏi thể xác kềnh càng.

+ Cuộc đối thoại giữa Hồn và Xác với sự hả hê châm chích của Xác và sự khổ đau bế tắc của Hồn.

+ Cuộc đối thoại với những người thân (vợ, cháu gái, con dâu) → càng đau khổ, tuyệt vọng và đi đến quyết định giải thoát.

+ Đối thoại với Đế Thích và kiên quyết giải thoát.

II. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

1. Độc thoại Hồn Trương Ba

– Hành động: ngồi ôm đầu một hồi lâu rồi vụt đứng dậy → biểu hiện:

+ Con người đang ở trạng thái u uất, bế tắc, không lối thoát (ôm đầu).

+ Đau khổ, dằn vặt, quẫn bách đến cùng cực, không thể chịu đựng dày vò hơn được nữa (vụt đứng dậy) → trào ra thành những dòng độc thoại đầy nước mắt.

– Lời nói: 

+ Phủ định: không, không muốn sống.

+ Tâm trạng:

• Chán cái chỗ ở không phải của tôi lắm rồi.

• Sợ, muốn rời xa cái thân thể kềnh càng thô lỗ “tức khắc”.

• Khao khát “tách ra cái xác này, dù chỉ một lát”.

→ Nhận xét: các câu cảm thán, ngắn→lời văn dồn dập, hối thúc → trạng thái căng thẳng, bức bách.

2. Đối thoại Hồn – Xác

– Mô tả:

+ Xác: xoáy vào hiện thực bi kịch của Hồn: “linh hồn mờ nhạt”, “không tách ra khỏi tôi được đâu”

Hồn: ngạc nhiên vì thể xác cũng có tiếng nói “mày không có tiếng nói, mà chỉ là xác thịt âm u đui mù”.

+ Xác: “ông đã biết tiếng nói của tôi rồi, đã luôn luôn bị tiếng nói ấy sai khiến”, “sức mạnh ghê gớm, lấn át cả linh hồn cao khiết”.

Hồn: bất lực, phủ định tiếng nói của Xác: “chỉ là vỏ bề ngoài, không có ý nghĩa gì hết, không có tư tưởng, không có cảm xúc”.

+ Xác: hỏi lại đầy thách thức: “Có thật thế không?”.

Hồn: chùn và đuối lí, buộc phải dần đồng tình, xác nhận sự ảnh hưởng của Xác “nếu có, thì chỉ là những thứ thấp kém, mà bất cứ con thú nào cũng có được”.

+ Xác: nhận thức sự lợi lí của mình, tiếp tục châm chọc: “Khi ông ở bên nhà tôi… Khi ông đứng bên cạnh vợ tôi, tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại… Đêm hôm đó, suýt nữa thì…” → nhắc lại sinh động, tường tận dục vọng vật chất → bồi thêm nỗi dằn vặt vì sự thật nhỡn tiền, phũ phàng – Hồn đang xuôi theo Xác, bị Xác sai khiến.

Mytranshop.com khuyên bạn nên xem:  Giá xây nhà 2 tầng trọn gói bao nhiêu tiền 2022 | Mytranshop.com

Hồn: kiên quyết phủ định: “là mày chứ, chân tay mày, hơi thở mày”.

+ Xác: đồng tình nhưng cũng đồng thời hỏi xoáy lại: “Chẳng lẽ ông không xao xuyến”, “Để thỏa mãn tôi, chẳng nhẽ ông không tham dự chút đỉnh gì?” → Xác dẫn dắt Hồn vào sự thật không thể phủ nhận – Hồn ít nhiều đã bị vấy bẩn, tha hóa bởi dục vọng của thân xác → lí lẽ của Xác khơi trúng điểm đen mà lâu nay vì trú ngụ trong Xác hàng thịt, Hồn Trương Ba trong khiết đã hóa màu.

Hồn: bất lực: “Ta… ta đã bảo mày im đi”  → lời văn ngập ngừng như lí lẽ bị hụt hơi → Hồn bị dồn vào chân tường để buộc phải công nhận sự chế ngự của thể xác.

+ Xác: xác nhận lại thái độ của Hồn “không dám trả lời”, khẳng định một lần nữa “Hai ta đã hòa làm một rồi”

→ nhấn vào sự thật đau đớn mà Hồn đang muốn trốn chạy, muốn phủ nhận, đẩy tình huống kịch lên cao trào.

Hồn: Cố gắng cứu vãn: “Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn…”

+ Xác: mỉa mai “Khi ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi, mà còn nhận là nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn!”.

Hồn: “bịt tai lại” → nỗ lực chối bỏ tuyệt vọng.

+ Xác: tiếp tục dùng lời lẽ hiểm hóc sắc lẹm như dao mổ, phanh trần nỗi đau đang tấy mủ trong Hồn: sức mạnh của Xác đã giúp Hồn thêm để làm việc vũ phu “tát thằng con ông tóe máu mồm máu mũi”.

Hồn: chối bỏ “sức mạnh làm ta trở thành tàn bạo”.

+ Xác: biện minh cho mình bằng những lí lẽ: “là hoàn cảnh” buộc Hồn phải qui phục, “cũng đáng được quí trọng”, không có tội.

Hồn: phản ứng yếu ớt: “Nhưng…Nhưng”

+ Xác: “tôi rất biết cách chiều chuộng linh hồn”.

Hồn hỏi: “Chiều chuộng”?

+ Xác: đưa ra giao kèo thỏa hiệp để chung sống: Xác sẽ “ve vuốt” Hồn bằng cách thông cảm với “những trò chơi tâm hồn”, nhận hết mọi điều xấu miễn là Hồn vẫn “làm đủ mọi việc để thỏa mãn thèm khát” của Xác.

Hồn: nhận thức “lí lẽ ti tiện” của Xác.

+ Xác: khẳng định sự thắng thế của mình.

Hồn than bất lực.

+Xác: an ủi, kết thúc cuộc đối thoại.

– Phân tích:

+ Tương quan lượt lời: Xác: dài, dày đặc, Hồn: ngắn, thưa thớt → sự lấn át, thắng thế của Xác – sự đuối lí, bất lực của Hồn → Hồn bị đẩy vào đường cùng, buộc phải xuôi theo những sự thật và lí lẽ hiển nhiên mà Xác chỉ ra.

+ Xung đột ngày càng đẩy lên cao trào, Xác tung ra những lí lẽ sắc bén như dao mổ, khoét sâu vào nỗi đau bị tha hóa của Hồn.

→ ý nghĩa của đoạn hội thoại ấy là Trương Ba được sống trở lại nhưng đó là cuộc sống đáng hổ thẹn, sống chung trong cái dung tục thì chắc chắn sẽ bị nó chế ngự. Cuộc đấu tranh giữa hồn và xác là cuộc đấu tranh giữa khát vọng và dục vọng, giữa phần con và phần người. Không những thế mỗi con người phải sống cân đối giữa phần con và phần người.

3. Đối thoại Hồn Trương Ba – những người thân.

– Với vợ:

+ Vợ:

• Có ý định đi biệt để Trương Ba được thảnh thơi, “Còn hơn là thế này”.

• Chỉ ra: “ông đâu còn là ông, đâu còn là Trương Ba làm vườn ngày xưa”.

→ Nhận xét:

• Người vợ vị tha, nhẫn nhịn, hết mực yêu thương chồng.

• Mang tâm trạng đau khổ tột cùng vì chứng kiến sự đổi thay của chồng. Nỗi đau hiện tại còn kinh khủng hơn giây phút bà tiễn thân xác chồng khỏi thế gian.

+ Hồn Trương Ba:

• Lời thoại ngắn, toàn câu hỏi → biểu hiện: sự ngơ ngác, thảng thốt và trạng thái thẫn thờ, tê xót.

• Hành động: ngồi xuống, tay ôm đầu → đau khổ, dằn vặt, tuyệt vọng.

– Với Cái Gái:

+ Cái Gái:

• Yêu thương gắn bó với ông hết mực: đêm nào cũng khóc, nâng niu từng chút kỉ niệm của ông → dẫn tới phản ứng dữ dội:

• Lời lẽ tàn nhẫn, phũ phàng.

• Chối bỏ, xua đuổi Hồn Trương Ba.

→ Phản ứng quyết liệt của một đứa trẻ. Tâm hồn trẻ thơ vốn trong trẻo, chỉ có hai màu sáng tối, kiên quyết không chấp nhận cái xấu, cái ác.

Mytranshop.com khuyên bạn nên xem:  Khám phá nội thất biệt thự đẹp nhất thế giới và cực kỳ xa xỉ 2022 | Mytranshop.com

+ Trương Ba: run rẩy → những lời nói của cháu nhỏ thêm một lần nữa xoáy khoét vào nỗi đau thăm thẳm của ông, để ông cảm nhận thấm thía bi kịch bị chính những người thân yêu chối bỏ.

– Với con dâu:

+ Con dâu:

• Thấu hiểu và cảm thông: “thầy khổ hơn xưa nhiều lắm”, “thương hơn”.

• Nhận thức một sự thật đau đớn: “làm sao để giữ thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con xưa kia”.

+ Trương Ba:

Trước những lời lẽ chân thực của con dâu → “lạnh ngắt như tảng đá” → hoàn toàn tuyệt vọng.

→ 3 lượt đối thoại đi qua đẩy bi kịch của Hồn Trương Ba lên tới chót đỉnh. Những người thân thiết nhất cũng không chấp nhận nổi tình trạng hồn xác bất nhất của chồng, cha, ông mình.

Con người phương Đông vốn coi mái nhà và quan hệ ruột thịt là nền tảng tinh thần. Mất nó, con người gần như mất tất cả, rơi vào trạng thái đơn độc, chống chếnh.

Đối thoại với những người thân mới cho nhân vật nhận cảm thấm thía tình trạng của bản thân, để đi đến hành động giải thoát quyết liệt. Nhà văn không đưa đối thoại với người con trai (lúc này đã bị đồng tiền cám dỗ, sinh ra thói con buôn vụ lợi) vào mà để Hồn đối thoại với vợ, cháu gái, con dâu – những người yêu thương, gắn bó với Trương Ba nhất để dẫn dắt Trương Ba đến nhận thức sâu sắc về tình trạng tuyệt vọng không lối thoát của bản thân mình.

– Độc thoại:

+ Ý thức, công nhận sự thắng thế của Xác.

+ Tự vấn: “Lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình?”

+ Phản lại lí luận của Xác: “Có thật không còn cách nào khác? Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần” → Thái độ kiên quyết, dũng cảm.

→ Nếu độc thoại ở màn đầu tiên, Trương Ba hiện lên trong trạng thái dằn vặt đau khổ thì ở màn độc thoại này, nỗi đau càng xa xót nhưng nhân vật không còn trăn trở về tình trạng Hồn – Xác bất nhất mà đã có một thái độ chủ động dứt khoát.

4. Đối thoại Hồn Trương Ba – Đế Thích.

– Gửi gắm những quan niệm của tác giả về hạnh phúc, sự sống, cái chết.

– Đế Thích:

+ Đưa ra đề xuất để Trương Ba được sống: nhập xác Cu Tị → một cách tồn tại “dễ thở” hơn, “dễ chịu” hơn.

+ Khẳng định một hiện thực không phân biệt trần gian hay thượng giới: không ai được toàn vẹn cả.

+ Không hiểu được những suy nghĩ của Trương Ba “con người trần giới các ông thật kì lạ”.

→ Vị thần tiên quyền phép biến hóa, yêu mến Trương Ba nhưng rốt cuộc vẫn mang tầm nhìn, điểm nhìn xa lạ, không thể thấu hiểu những suy nghĩ trần thế.

– Hồn Trương Ba:

+“Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn” → quan niệm:

• Hồn và Xác luôn thống nhất hài hòa trong một con người. Không thể có linh hồn thanh khiết trong một thể xác dung tục, tội lỗi.

• Khi con người bị vấy bẩn bởi những dục vọng bản năng thì đừng chỉ đổ lỗi cho xác thân, tự vỗ về, ngụy biện bằng linh hồn cao khiết siêu hình.

• Thái độ sống cần có của con người: dũng cảm, dám đối mặt, thừa nhận những sai lầm của bản thân, để không bao giờ trốn chạy.

+“Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!”.

→ Quan niệm: Cuộc sống thật đáng quí nhưng sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá, không được là mình thì thật vô nghĩa. “Sống” đơn thuần chỉ là đời sống thực vật, “sống như thế nào” – sống “toàn vẹn” mới là đời sống của một con người. Để có được ý nghĩa chân chính đó quả không dễ dàng.

+ Khi Đế Thích so sánh: không thể đổi tâm hồn cao quí của bác lấy chỗ cho cái phần hồn tầm thường của anh hàng thịt → Phản ứng:

• Thấu hiểu: tầm thường nhưng chúng sẽ sống hòa thuận với nhau.

• Thương người vợ anh hàng thịt.

+ Chi tiết: Cu Tị chết → đẩy bi kịch đến chỗ “mở nút”.

Mytranshop.com khuyên bạn nên xem:  Cửa Hàng Bán Ghế Massage Nam Định 2022 | Mytranshop.com

+ Trương Ba tưởng tượng ra giả cảnh khi nhập xác đứa bé → bao nhiêu phiền toái khác do sự vênh lệch hồn xác sẽ xảy ra , nỗi đau của người thân cu Tị → nhận thức tỉnh táo → quyết định sáng suốt: xin cho cu Tị sống lại, để mình chết hẳn.

→ Nhận xét

– Lời của Trương Ba dày đặc → không còn cái ngập ngừng, yếu thế như trong đối thoại với Xác, mà tự tin, chủ động bày tỏ.

– Quá trình đưa ra quyết định dứt khoát “chết hẳn”, Trương Ba đã thực hiện cuộc phục sinh tâm hồn mình. Người ta lại thấy một Trương Ba nhân hậu, vị tha, giàu tình thương.

– Nhận thức được ý nghĩa đích thực của cuộc sống: Cuộc sống đáng quí biết bao (Ông tưởng tôi không ham sống hay sao?), nhưng sống mà không được là mình (sống giả tạo) thì chẳng có lợi cho ai ngoài “bọn khốn kiếp” đục nước béo cò.

5. Đoạn kết

– Khung cảnh:

+ Vườn cây: rung rinh ánh sáng. → Không gian quen thuộc gắn với con người Trương Ba, tinh thần Trương Ba → nơi lưu dấu những hồi ức tươi đẹp về Trương Ba trong lòng người thân vẫn được vun xới, để lại chan hòa, ấm áp.

+ Cu Tí hồi sinh và mẹ con đoàn tụ → hạnh phúc trong trẻo, cảm động.

– Sự xuất hiện của Trương Ba:

+ Qua lời văn: chập chờn xuất hiện → chỉ là cái bóng.

+ Qua lời Trương Ba: “Tôi vẫn ở liền ngay bên bà đây, ngay trên bậc cửa nhà ta, trong ánh lửa bà nấu cơm, cầu ao bà vo gạo, trong cái cơi bà đựng trầu, con dao bà giẫy cỏ… Không phải mượn thân ai cả, tôi vẫn ở đây, trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây cái Gái nâng niu” → lời văn thấm đẫm cảm xúc, giàu chất thơ → chất trữ tình trong kịch Lưu Quang Vũ.

+ Qua đối thoại của cái Gái và cu Tị: cây na này ông nội tớ trồng đấy; qua  hành động vùi hạt na xuống đất: “Cho nó mọc thành những cây mới. Ông nội tớ bảo vậy. Những cây sẽ nối nhau mà lớn khôn. Mãi mãi” → hình ảnh biểu tượng: đứa trẻ ngây thơ, trong trắng gieo trồng hạt giống mới biểu trưng cho sự nối tiếp, sinh sôi bất tử của Hồn Trương Ba, vẻ đẹp Trương Ba – thanh khiết, vẹn nguyên.→ cái chết hẳn về thể xác là sự hoàn nguyên kì diệu cho tâm hồn. Trương Ba đang sống một cuộc sống khác: sự sống bất diệt trong trái tim những người thân.

→ Nghịch lí logic: Mặc dù giờ đây Hồn Trương Ba không có thân xác trú ngụ, chỉ là bóng chập chờn mờ ảo, vô hình lại là lúc sự hiện diện của Trương Ba nhiều nhất, thường trực nhất.

→ Tiếp tục khái quát triết lí nhân sinh:

– Ý nghĩa sự sống nhiều khi không phải ở sự tồn tại sinh học mà ở chính sự hiện diện của ta trong suy nghĩ, nỗi nhớ của những người thương yêu.

– Vẻ đẹp tâm hồn có đời sống dài lâu và bất tử so với thể xác. Tâm hồn cao khiết của Trương Ba vẫn còn có mặt trong mỗi hoài niệm, mỗi cuộc đời đang sống.

III. TỔNG KẾT

1. Nội dung

Qua đây tác giả muốn khẳng định một điều răng được sống đã là điều hạnh phúc nhưng được sống là chính mình mới là cao quý. Không thể bên trong một đằng bên ngoài một nẻo được. Sống phải biết dung hòa giữa linh hồn và thể xác, giữa phần con và phần người

2. Vài nét về nghệ thuật viết kịch

Cách diễn tả hành động, ngôn từ nhân vật – yếu tố trọng yếu để phát triển xung đột, xây dựng tình huống, thể hiện tính cách trong nghệ thuật viết kịch.

– Hành động kịch:

+ Phù hợp với hoàn cảnh, theo đúng logic phát triển của tình huống kịch.

+ Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hành động bên ngoài và hành động bên trong (những độc thoại nội tâm thể hiện trạng thái tinh thần căng thẳng, đầy day dứt)

– Ngôn ngữ:

+ Sinh động, gán với trạng huống cụ thể (Sự khác biệt của ngôn ngữ Trương Ba trong đối thoại với Xác, vợ, cái Gái, Đế Thích…)

+ Giọng điệu nhân vật biến hóa đa dạng, có sự kết hợp giữa giọng hướng ngoại và hướng nội – độc thoại nội tâm (đoạn đối thoại Hồn Trương Ba – Đế Thích).

Leave a Comment